Thị trường Mỹ Latin-Caribe đang là khu vực triển vọng trên bản đồ kinh tế toàn cầu, thu hút sự chú ý và đầu tư của các doanh nghiệp thế giới, và Việt Nam. Vậy đâu là cơ hội mà Thái Bình đã nhìn thấy trong suốt 25 năm phát triển tại Cuba và từng bước mở rộng ra các thị trường lân cận?
Doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây đang đối mặt với không ít khó khăn khi các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang nóng lên từng ngày. Cụ thể, hàng hóa của Việt Nam không những cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh, mà còn đối mặt với rào cản từ sự gia tăng bảo hộ và hệ thống rào cản thuế quan. Trong bối cảnh đó, thị trường Mỹ Latin-Caribe đang dần “lọt vào mắt xanh” của các công ty Việt Nam do ưu thế về dân số đông (gần 700 triệu người), và yêu cầu hàng hóa không quá khắt khe như thị trường các nước đã phát triển. Vì thế, việc xâm nhập được thị trường tiềm năng này sẽ giúp giảm áp lực phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu chủ lực hiện tại và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt.
Mối quan hệ kinh tế – chính trị đang diễn biến tích cực giữa Việt Nam và khối Mỹ Latinh – Caribe cũng đã gợi mở nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Hai bên đang triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, bao gồm CPTPP, VCFTA, và hiệp định thương mại với Cuba. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các chính sách thương mại đầu tư của cả Việt Nam lẫn các nước khu vực Mỹ Latinh – Caribe đã có nhiều đổi mới theo hướng mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho quan hệ đa chiều, phù hợp với luật lệ quốc tế. Điều này được phản ánh rõ nét trong kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch đều đạt mức tăng trưởng rất cao, với Colombia đạt 674,7 triệu USD (tăng 41,5%), Peru đạt 633,7 triệu USD (tăng 62%), và Panama đạt 465,6 triệu USD (tăng 45,5%).
Tuy mở ra nhiều cơ hội,nhưng bên cạnh cũng có nhiều thách thức như về khoảng cách địa lý,… là chướng ngại dẫn đến phát sinh chi phí vận chuyển cao và làm giảm sức cạnh tranh về giá của hàng hóa đối với không ít doanh nghiệp đang muốn xâm nhập và phát triển tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Nhận thức được điều này, Thái Bình đã từng bước xoay chuyển “cái khó” bằng cách tiếp cận và xây dựng vị thế tại Cuba – cửa ngõ đi vào thị trường Trung Mỹ và Nam Mỹ. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và sản xuất tại quốc đảo này, Thái Bình đã có đủ những nguồn lực cho hành trình bứt phá, chinh phục các thị trường lân cận.
Đánh giá về tiềm năng của Cuba – cầu nối đến thị trường Mỹ Latinh và Caribe, nhiều doanh nghiệp sẽ thấy khá ngần ngại bởi dân số quốc đảo không quá đông (khoảng 11 triệu người), nền kinh tế và chính trị cũng có những khác biệt nhất định so với Việt Nam. Tuy nhiên, Thái Bình lại nhìn thấy cơ hội ngay trong những điều tưởng chừng là thách thức: dân số không quá đông nên sẽ không đòi hỏi quy mô thương mại và đầu tư quá lớn để chiếm được thị phần. Qua quá trình nghiên cứu, đội ngũ Thái Bình nhận thấy dù phần lớn hàng tiêu dùng của Cuba là hàng nhập khẩu, do đó các doanh nghiệp Cuba đang dần chuyển sang ưu tiên mua hàng hóa sản xuất trong nước để thay thế. Xu hướng tiêu dùng mới này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Riêng đối với Thái Bình, sự thay đổi này chính là điều kiện phù hợp để doanh nghiệp chuyển từ thuần xuất khẩu, thương mại sang sản xuất tại Cuba.
Về phương diện chính trị, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Cuba là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp gieo hạt và gặt hái thành quả. Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba. Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba ký ngày 9/11/2018 và chính thức có hiệu lực từ 1/4/2020 đã đề ra nhiều cam kết ưu đãi thương mại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước. Theo Hiệp định này, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm. Đây là bước đà giúp Thái Bình tiếp tục mở rộng về mặt thương mại, giữ vững vị thế đã xây dựng hơn 20 năm.
Năm 2014, sau khi thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới và công bố khánh thành Đặc khu phát triển Mariel, một số chính sách đã được điều chỉnh thông thoáng hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Để khuyến khích phát triển Đặc khu kinh tế Mariel, Cuba đã có chính sách miễn thuế hấp dẫn cho các nhà đầu tư ở các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ sinh học, dược phẩm và một số lĩnh vực khác.
Phối cảnh Khu công nghiệp của Viglacera tại Đặc khu Mariel – Cuba (Nguồn: Viglacera)
Nắm chắc thời cơ, Thái Bình chính thức lấn sân sang mảng đầu tư sản xuất. Từ 2019 đến nay, Thái Bình liên tục đưa vào vận hành khai thác 3 nhà máy:
Nhà máy tã lót và băng vệ sinh Toàn Cầu Thái Bình: Được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sử dụng băng vệ sinh và tã lót của người dân Cuba.
Nhà máy sản xuất Bột giặt và Chất tẩy rửa lỏng SUCHEL TBV: Dự án liên doanh giữa Công ty cổ phần thương mại công nghiệp Nexus Cuba và Công ty cổ phần Bột giặt Thái Bình (một thành viên của Tập đoàn Thái Bình). Nhà máy đang đặt mục tiêu phục vụ 100% nhu cầu bột giặt và chất tẩy rửa lỏng của người tiêu dùng Cuba và xuất khẩu sản phẩm đến các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Công viên Điện năng lượng mặt trời TBD Solar: Trực thuộc Công ty Cổ Phần Đầu Tư Năng Lượng Xanh Thái Bình (TBGP) với quy mô công suất lắp đặt (DC) là 23,13 MWp và công suất hòa lưới (AC) là 20 MW. Điều đó cho thấy công viên TBD Solar đã góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa của Cuba.
Dây chuyền sản xuất tã lót giấy và băng vệ sinh tại nhà máy Thai Binh Global (Nguồn:TTXVN VNA)
Với việc vận hành thành công các nhà máy sản xuất, công viên điện năng lượng, Thái Bình đã vượt qua những thách thức về khoảng cách địa lí để đến gần hơn với khu vực Mỹ Latinh và Caribe: nhà máy đặt trực tiếp tại Cuba sẽ giúp các mặt hàng giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá. Không chỉ vậy, việc xây dựng nhà máy riêng giúp Thái Bình có được sự chủ động, dễ dàng đáp ứng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người dân quốc đảo Cuba, cũng như mở rộng quy mô sản xuất cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng tại thị trường Mỹ Latinh – Caribe.
Để đạt được những thành công nhất định tại “vùng đất hứa”, chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực thích nghi và sự kiên trì của toàn thể đội ngũ Thái Bình. Nhưng với những bước đi chắc chắn từ hiện tại, hành trình tương lai của Thái Bình hứa hẹn sẽ khai phá được trọn vẹn tiềm năng, gặt hái được thành quả xứng đáng tại thị trường Mỹ Latinh – Caribe.
Tựu chung lại, thị trường Mỹ Latinh và Caribe với dân số lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng, cùng với các hiệp định thúc đẩy thương mại được ký kết đã giúp khu vực này trở thành điểm sáng trong mắt nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dù vẫn còn đó những thách thức, nhưng nếu nắm bắt cơ hội, linh hoạt thay đổi theo những điều kiện kinh tế – xã hội, khó khăn nào cũng có thể chuyển biến thành tiềm năng. Thành công trong hiện tại của Thái Bình chính là lời khẳng định cho tiềm lực to lớn của thị trường Mỹ Latinh và Caribe nếu được tiếp cận và phát triển đúng hướng.